Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc

Vietnamese Community in Australia/WA Chapter Inc.

 

Bản Nội Quy

Được chấp thuận năm 2010

Thành phố Perth, Tiểu Bang Tây Úc

Mục Lục

Chương/ Điều                                                                                                                                                 Trang                                                                                                              

 

Chương 1: Quy định pháp lý, danh xưng, định nghĩa, biểu tượng, huy hiệu, ngôn ngữ và trụ sở                3-4

Điều 1 – Điều 4

Chương 2: Mục đích                                                                                                                                                   4

Điều 5

Chương 3: Thành Viên                                                                                                                                   4-5

Điều 6 – Điều 7

Chương 4: Cơ cấu CĐNVTDUC/TU                                                                                                             5

Điều 8

Chương 5: Ban Chấp Hành Cộng Đồng                                                                                                        5-7

Điều 9 – Điều 11

Chương 6: Ban Giám Sát                                                                                                                               7-8

Điều 12 – Điều 17

Chương 7: Khiếm khuyết nhân sự trong BCHCĐ                                                                                        8-9

Điều 18 – Điều 21

Chương 8: Đại Hội Thường Niên                                                                                                                   9-10

Điều 22 – Điều 27

Chương 9: Đại Hội Bất Thường                                                                                                                     10

Điều 28 – Điều 29

Chương 10: Ứng cử và bầu cử BCHCĐ                                                                                                        11-13

Điều 30 – Điều 39

Chương 11: Gia nhập và niên liễm                                                                                                                            13-14

Điều 40 – Điều 43

Chương 12: Tài chính và tài sản Cộng Đồng                                                                                                            14-15

Điều 44 – Điều 47

Chương 13: Tu chính Nội Quy                                                                                                                       15

Điều 48 – Điều 49

Chương 14: Giải tán và thanh lý                                                                                                                   16

Điều 50 – Điều 51

Chương 15: Ấn tín của CĐNVTDUC/TU                                                                                                      16

Điều 52

Chương 16: Chế tài thành viên                                                                                                                      16

Điều 53

Chương 17: Các lãnh vực chuyên biệt                                                                                                                       17-18

Điều 54 – Điều 56

                                                                                                                                   

Chương 1: Quy định pháp lý, danh xưng, biểu tượng, huy hiệu, ngôn ngữ và trụ sở

 

Điều 1: Quy định pháp lý

  1. Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc là một tổ chức bất vụ lợi có xuất xứ từ những người Việt yêu chuộng tự do, bao gồm tất cả người Úc gốc Việt và Thường Trú Nhân người Việt đang định cư tại tiểu bang Tây Úc, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, đoàn thể, có chung ý hướng hoạt động phục vụ Cộng Ðồng;
  2. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc là thành viên của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu;
  3. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc là thành viên duy nhất của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đại diện cho tập thể người Việt sống tại Tiểu Bang Tây Úc.

Điều 2: Danh xưng và Định nghĩa

  1. Tên gọi chính thức của tập thể người Việt yêu chuộng tự do và dân chủ tại Tây Úc như sau:

a)          Việt ngữ: Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc

b)                  Viết tắt là: CĐNVTDUC/TU, hoặc là : Cộng Đồng (viết hoa)

c)          Anh Ngữ: Known as “Vietnamese Community in Australia / Western Australia Chapter Incorporated”

d)                  Viết tắt là: VCA/WA Inc.

  1. Định Nghĩa một số từ ngữ
  • Luật Hội Đoàn: có nghĩa là Đạo Luật Đăng Ký Hội Đoàn được chính phủ tiểu bang Tây Úc ban hành vào năm 1987 (Associations Incorporation Act 1987).
  • Sổ Sách Kế Toán: được hiểu theo định nghĩa ở Điều V(25) của Luật Hội Đoàn.
  • Thường Trú Nhân Người Việt: bao gồm những người Việt Nam và con cái của họ đã có quốc tịch Úc hoặc đã được cấp chiếu khán thường trú (permanent visa) theo điều khoản 30(1) của Đạo Luật Di Trú Liên Bang (Migration Act 1958).

Điều 3: Biểu tượng và huy hiệu

  1. Lá cờ vàng ba (3) sọc đỏ là biểu tượng chính thức được dùng trong tất cả những sinh hoạt, nghi lễ của Cộng Ðồng; tượng trưng cho lý tưởng Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền của Người Việt tị nạn Cộng Sản.
  2. Bài hát Tiếng Gọi Công Dân, quốc ca của VNCH trước năm 1975, là bài hát chào lá cờ biểu tượng trong những sinh hoạt chính thức của Cộng Ðồng.
  3. Huy hiệu của Cộng Ðồng hình tròn, có nền là lá cờ vàng 3 sọc đỏ, trên nền này là bản đồ nước Việt Nam, phía phải góc trên của huy hiệu là 5 ngôi sao của lá cờ Úc và danh xưng của Cộng Đồng được bao quanh huy hiệu. Ðây là huy hiệu thống nhất của Cộng Ðồng liên bang, các tiểu bang và lãnh thổ.

 

 

 

Điều 4: Ngôn Ngữ và trụ sở

  1.         I.            Ngôn ngữ chính của Cộng Ðồng là tiếng Việt hoặc tiếng Anh được dùng trong tất cả các sinh hoạt và trên các văn kiện của Cộng Ðồng.
  1. Trụ sở của Cộng Ðồng hiện tọa lạc tại Unit 4 & 5/151-155 Brisbane St, Perth WA 6000.

 

Chương 2: Mục đích

 

Điều 5:

  1. Duy trì và phát triển tinh thần tương trợ trong tập thể người Việt sinh sống tại Tiểu Bang Tây Úc và trên toàn Úc Châu;
  2. Duy trì và phát triển sự liên hệ với các Hội Đoàn và Cộng Đồng Người Việt trên toàn thế giới trong mục tiêu tranh đấu cho một nước Việt Nam thực sự độc lập , tự do, dân chủ, và giàu mạnh, với đầy đủ các quyền làm người theo tinh thần Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền;
  3. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam;
  4. Quan tâm đến các sinh hoạt về đức, trí, và thể dục của thanh thiếu niên Việt Nam tại Tây Úc;
  5. Phát triển tình thân hữu với các cộng đồng sắc tộc khác trong tinh thần xã hội tự do, dân chủ và đa văn hoá của Úc Đại Lợi;
  6. Hợp tác chặt chẽ với Chính Quyền Úc Đại Lợi trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh và an vui;

 

Chương 3: Thành Viên

 

Điều 6: Quy định chung 

  1. Tất cả người Úc gốc Việt và thường trú nhân người Việt đang sinh sống tại Tiểu Bang Tây Úc là thành viên của CĐNVTDUC/TU.
  2. Tất cả người Úc gốc Việt và thường trú nhân người Việt trên 18 tuổi đang sinh sống tại Tiểu Bang Tây Úc không phân biệt nam nữ, tôn giáo, đoàn thể, có chung ý hướng hoạt động phục vụ Cộng Ðồng, hiểu và chấp nhận mọi điều lệ của bản Nội Quy của CĐNVTDUC/TU, nộp đơn xin gia nhập và được Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu/Tây Úc chấp thuận, sẽ là Thành Viên Chính Thức của CĐNVTDUC/TU;
  3. CĐNVTDUC/TU bao gồm một số thành viên danh dự và hỗ trợ không nhất thiết phải là người Việt, nếu những cá nhân này hiểu và chấp nhận mọi điều lệ của bản Nội Quy và được BCH/CĐ chấp thuận.
  4. Bất cứ người phối ngẫu nào của người Việt tại Tây Úc cũng được coi là thành viên danh dự, nếu muốn.

 

 

 

 

Điều 7: Nhiệm vụ thành viên

  1. Tất cả các thành viên đều có nhiệm vụ:

a)      Giữ thanh danh cho dân tộc Việt Nam và uy tín của Cộng Đồng.

b)      Tôn trọng và chấp hành tất cả các điều khoản trong Bản Nội Quy.

c)      Tham gia, hỗ trợ các sinh hoạt của Cộng Đồng.

 

Chương 4: Cơ cấu CĐNVTDUC/TU

 

Điều 8: Quy định chung

  1. CĐNVTDUC/TU là thành viên duy nhất của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đại diện cho tập thể người Việt tại Tây Úc gồm hai (2) cơ cấu: Ban Chấp Hành Cộng Đồng (BCH/CĐ) và Ban Giám Sát (BGS);
  2. Ban Chấp Hành gồm một Chủ Tịch, hai hoặc ba Phó Chủ Tịch, một Tổng Thư Ký và một Thủ Quỹ;
  3. Ban Chấp Hành có thể mời và đề cử thêm một số ủy viên khác tùy theo nhu cầu của CĐNVTDUC/TU vào các chức vụ như: Phó Tổng Thư Ký, Uỷ Viên Xã Hội, Ủy Viên Phụ Nữ, Ủy Viên Báo Chí, Ủy Viên Văn Nghệ, Ủy Viên Thanh Niên Sinh Viên và Thể Thao, Ủy Viên Giáo Dục, và Ủy Viên Thông Tin.

 

Chương 5: Ban Chấp Hành Cộng Đồng

 

Điều 9: Nhiệm kỳ

  1. Nhiệm kỳ BCHCĐ là 2 năm.

Điều 10: Trách nhiệm của BCHCĐ

  1. Ban Chấp Hành Cộng Đồng có trách nhiệm:

a)      Hoạch định và điều hành mọi hoạt động của CĐNVTDUC/TU;

b)      Quản trị tài sản của CĐNVTDUC/TU;

c)      Mua, bán, thuê, sửa và sử dụng mọi tài sản của CĐNVTDUC/TU trong mục đích phát triển và phục vụ những lợi ích của CĐNVTDUC/TU;

d)      Áp dụng Bản Nội Quy.

e)      Chủ Tịch có nhiệm vụ triệu tập một phiên họp của BCHCĐ nếu có sự yêu cầu của BGS, hay của 50% tổng số thành viên của BCHCĐ để giải quyết những vấn đề cần thiết và khẩn cấp.

f)       Trừ những trường hợp đặc biệt được quy định ở các Chương 7, Điều 18 và Chương 12, Điều 46, mọi phiên họp của BCHCĐ quy tụ được 50% thành viên BCHCĐ được xem như hội đủ nhân số để biểu quyết, và mọi quyết định được sự ủng hộ của đa số tương đối thành viên có mặt trong phiên họp trở thành quyết định chung của BCHCĐ.

 

Điều 11: Vai trò và quyền hạn của các thành viên trong BCHCĐ

  1. Chủ Tịch:

a) Đại diện và là phát ngôn nhân chính thức của CĐNVTDUC/TU;

b)      Điều hành các hoạt động và ký các văn kiện liên quan đến CĐNVTDUC/TU;

c)Triệu tập và chủ tọa các buổi họp của Ban Chấp Hành và cùng với Thủ Quỹ và Tổng Thư Ký làm việc với Ban Giám Sát khi cần thiết;

d)      Được sử dụng Ấn Tín.

  1. Phó Chủ Tịch Nội Vụ:

a)      Phụ tá Chủ Tịch trong công việc nội bộ của Cộng Đồng.

b)      Kiêm chức vụ Giám Đốc Đài Phát Thanh (xin xem thêm chi tiết nơi Chương 17: Các lãnh vực chuyên biệt).

c)      Thay mặt Chủ Tịch khi vị này vắng mặt để điều hành các công việc của Cộng Đồng.

  1. Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ:

a)      Phụ tá Chủ Tịch trong công việc giao tế và tham dự các phiên họp với các cơ quan chính phủ, các cộng đồng các sắc tộc bạn, các tổ chức tôn giáo, hội đoàn, đoàn thể;

b)      Nghiên cưú và thực hiện các công tác ngoại vận và quốc tế vận, nhằm hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam;

c)      Là Phát Ngôn Nhân của Cộng Đồng trong các công tác ngoại vận và quốc tế vận;

d)      Thay mặt Chủ Tịch khi vị Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Nội Vụ vắng mặt để điều hành Cộng Đồng.

  1. Phó Chủ Tịch Kế Hoạch:

a)      Phụ Tá Chủ Tịch trong việc nghiên cứu các kế hoạch sinh hoạt và phát triển Cộng Đồng;

b)      Nghiên cứu và thiết lập những kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam qua các sinh hoạt trường Việt Ngữ và các lễ hội truyền thống dân tộc, như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, và Giỗ Tổ Hùng Vương;

c)      Cùng với Phó Chủ Tịch Nội Vụ tổ chức các ngày lễ lớn trong Cộng Đồng;

d)      Điều hành các sinh hoạt của Cộng Đồng trong trường hợp các vị Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Nội Vụ và Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ vắng mặt.

  1. Tổng Thư Ký:

a)      Quản trị mọi hồ sơ liên quan đến những hoạt động của BCHCĐ và của CĐNVTDUC/TU;

b)      Phối hợp với các thành viên của BCH, soạn thảo các hồ sơ văn kiện liên quan đến CĐNVTDUC/TU trước khi BCHCĐ quyết định;

c)      Lập biên bản buổi họp của BCH và các đại hội của CĐNVTDUC/TU; Quản trị những hoạt động hằng ngày của CĐNVTDUC/TU. Cùng với Chủ Tịch và Thủ Quỹ làm việc với Ban Giám Sát khi cần thiết;

d)      Tổ chức và sắp xếp các buổi đại hội và thuyết trình ở cấp Tiểu Bang và Liên Bang;

e)      Được sử dụng Ấn Tín.

  1. Thủ Quỹ:

a)      Thủ Quỹ có nhiệm vụ quản lý toàn bộ tài sản cộng đồng, kể cả các trương mục tiền mặt và chi phiếu .

b)      Thủ Quỹ được quyền giữ tối đa năm trăm (500) Úc Kim tiền mặt, số còn lại phải được gửi vào một trương mục ngân hàng.

c)      Thanh toán các chi phí điều hành, các khoản chi tiêu đã được BCHCĐ đồng ý.

d)      Soạn thảo ngân sách, lập bảng chi thu hàng tháng và hàng năm để trình trước BCHCĐ và Đại Hội Thường Niên.

e)      Đồng ký tên với Chủ Tịch chịu trách nhiệm trên tất cả các báo cáo tài chánh.

f)       Cuối niên khóa tài chánh, Thủ Quỹ có bổn phận phải đệ trình chi tiết tài chánh chi thu trong năm cho một kế toán gia độc lập kiểm soát và phê chuẩn  trước khi tường trình trước Đại Hội Thường Niên của Cộng Đồng.

g)      Trong bất cứ trường hợp nào, các chi phiếu của CĐNVTDUC/TU không thể được ký trước (nghĩa là không được phép ký chi phiếu trống).

h)      Thủ Quỹ có nhiệm vụ thiết lập sổ sách và hồ sơ để ghi chép tất cả các dịch vụ liên quan đến tài chính và các tài sản khác của cộng đồng.

i)        Hồ sơ các trương mục của CDNVTDUC/TU  phải được lưu trữ bởi BCHCĐ theo thứ tự thời gian và theo thời hạn luật định.

j)        Thủ Quỹ được quyền có một phụ tá, để phụ việc theo dõi ghi chép sổ sách tài chánh cập nhật hàng ngày.

 

Chương 6: Ban Giám Sát

 

Điều 12: Ban Giám Sát

  1. Ban Giám Sát (BGS) là một cơ quan do Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử (UBTCBC) đề cử và mỗi thành viên đề cử phải được sự tính nhiệm của 3/4 đa số các cử tri có mặt tại Đại Hội Bầu Cử. Ban Tổ Chức Bầu Cử có trách nhiệm kiểm phiếu chấp thuận;
  2. BGS hoạt động hoàn toàn độc lập với BCHCĐ.

Điều 13: Thành phần

  1. Các thành viên trong BGS có thể là các vị đại diện các hội đoàn và tổ chức, các vị cựu chủ tịch Cộng Đồng, các bậc lão thành, hoặc có khả năng và uy tín trong cộng đồng, hoặc những thành viên danh dự của CĐ.
  2. Tổng số thành viên của BGS ít nhất là 3 ( ba) người và nhiều nhất là 7 (bảy) người, sẽ do một Trưởng ban, một Phó Trưởng Ban và một Tổng Thư Ký chịu trách nhiệm điều hợp. Các chức vụ của BGS do các thành viên BGS chọn.
  3. Nhiệm vụ chính của vị Trưởng Ban là điều hành BGS, liên lạc với BCHCĐ, các hội đoàn, và đoàn thể trong trường hợp cần thiết;
  4. Nhiệm vụ chính của Tổng Thư Ký là liên lạc với các hội đoàn, đoàn thể bằng thư từ, và soạn biên bản các buổi họp;
  5. Nhiệm vụ chính của Phó Trưởng Ban là phụ giúp, hoặc thay thế, vị Trưởng Ban trong các trường hợp cần thiết;
  6. Các thành viên trong BGS phải là thành viên chính thức của CDNVTDUC/TU. Các thành viên trong BGS phải là người Việt Nam, có lập trường quốc gia vững mạnh, có đạo đức, và trên 21 tuổi;
  7. Các thành viên trong BGS không bị giới hạn bởi trình độ kiến thức, phái tính, tuổi tác, nghề nghiệp, và tín ngưỡng.

Điều 14: Phương cách bầu cử

  1. Ban Giám Sát sẽ được bầu bằng cách trưng cầu ý kiến của các cử tri trong ngày Đại Hội Bầu Cử.
  2. Mỗi thành viên đề cử phải được sự tính nhiệm của 3/4 đa số các cử tri có mặt tại Đại Hội Bầu Cử.
  3. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử có trách nhiệm kiểm phiếu chấp thuận;
  4. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử có nhiệm vụ công bố kết qủa thành phần BGS sau buổi bầu cử.

Điều 15: Vai trò BGS

  1. Giám sát BCHCĐ trong việc thi hành Nội Quy Cộng Đồng;
  2. Để làm tròn trách vụ này, BGS có thẩm quyền thảo luận với BCHCĐ, và xem xét các tài liệu và chứng từ liên quan đến sự điều hành Cộng Đồng.

Điều 16: Trách nhiệm BGS 

  1. BGS chịu trách nhiệm trước sự tin cậy của cử tri cộng đồng. Trong trường hợp BGS không làm tròn trách vụ được giao phó, các cử tri sẽ biểu quyết bất tín nhiệm BGS tại Đại Hội Bất Thường. Nếu sự bất tín nhiệm đạt túc số 3/4, BCHCĐ sẽ phải giải nhiệm toàn BGS và đệ trình một danh sách thay thế trong thời hạn hai tuần lễ.

Điều 17: Nhiệm kỳ BGS

  1. BGS có cùng nhiệm kỳ với BCHCĐ.

 

Chương 7: Khiếm khuyết nhân sự trong BCHCĐ

 

Điều 18: Khiếm khuyết nhân sự trong BCHCĐ

  1. Sau khi tham khảo BGS, BCHCĐ có nhiệm vụ tuyên bố bất cứ chức vụ nào trong BCHCĐ trở thành khiếm khuyết trong trường hợp thành viên giữ chức vụ đó từ trần, trở thành vô năng, từ chức có văn bản, vắng mặt không lý do trong ba (3) phiên họp liên tiếp của BCHCĐ, hoặc có hành vi phương hại đến BCHCĐ nói riêng hay Cộng Đồng nói chung, hoặc bị phạt tù hình sự như đã bị nghiêm cấm trong các điều khoản của Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987 (Associations Incorporation Act 1987).
  2. Quyết định của BCHCĐ liên quan đến khiếm khuyết nhân sự chỉ có giá trị nếu có ít nhất 2/3 tổng số thành viên BCHCĐ đồng ý. Riêng trường hợp Chủ Tịch thì cần phải có ít nhất 3/4 đồng ý.

Điều 19: Trách nhiệm công bố việc khiếm khuyết

  1. Sau khi tham khảo BGS về nhân sự dự trù thay thế, BCHCĐ có quyền chỉ định nhân sự mới vào những chức vụ khiếm khuyết, ngoại trừ chức vụ Chủ Tịch. Sự chỉ định nhân sự mới này phải được thực hiện trong thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày công bố khiếm khuyết.

Điều 20:  Thủ tục điền khuyết

  1. Trong trường hợp khiếm khuyết chức vụ Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch Nội Vụ sẽ tạm giữ quyền Chủ Tịch cho đến khi chính thức có Chủ Tịch mới.
  2. Trong trường hợp Phó Chủ Tịch Nội Vụ cũng bị khiếm khuyết, BCHCĐ có quyền chỉ định một vị Phó Chủ Tịch khác hay Tổng Thư Ký thay thế.
  3. Tổng Thư Ký tạm giữ quyền Chủ Tịch. Sự chỉ định thay thế trong trường hợp này phải được thực hiện trong vòng một tháng.

Điều 21: Điền khuyết chức vụ Chủ Tịch

  1. Phó Chủ Tịch Nội Vụ có nhiệm vụ triệu tập một Đại Hội Bất Thường trong vòng ba (3) tháng kể từ ngày khiếm khuyết để đề cử vị Chủ Tịch mới. Đại Hội sẽ biểu quyết tín nhiệm tân Chủ Tịch theo đa số tương đối thành viên hiện diện.
  2. Nếu chức vụ Chủ Tịch bị khiếm khuyết vào sáu (6) tháng cuối của nhiệm kỳ, Phó Chủ Tịch Nội vụ sẽ kiêm nhiệm chức vụ Chủ Tịch cho tới ngày bầu cử BCH mới.

 

Chương 8: Đại Hội Thường Niên

 

Điều 22: Thời gian tổ chức

  1. CĐNVTDUC/TU sẽ tổ chức Đaị Hội Thường Niên (ĐHTN) vào tháng 10 mỗi năm hoặc sớm hơn, nhưng phải trong vòng bốn (4) tháng sau thời điểm của tài khoá vừa chấm dứt;
  2. Chi tiết đại hội phải được thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông báo chí ít nhất là hai tuần trước ngày đại hội.

Điều 23: Trách nhiệm

  1. Ban Chấp Hành Cộng Đồng đương nhiệm sẽ chịu trách nhiệm tổ chức Đại Hội Thường Niên của Cộng Đồng.

 

Điều 24: Nhiệm vụ 

  1. Mục đích của Đại Hội Thường Niên (ĐHTN) bao gồm những công việc sau đây:

a)      Xem xét và chuẩn y báo cáo thường niên (bao gồm báo cáo tài chính) của BCHCĐ đương nhiệm;

b)      Cứu xét đề nghị tu chính nội quy cộng đồng.

Điều 25: Biểu quyết

  1. ĐHTN sẽ biểu quyết theo nguyên tắc đa số quá bán đối với những hoạt động bình thường của cộng đồng.

Điều 26: 

  1. Đối với quyết định tu chính nội quy, đa số cần thiết sẽ là ba phần tư (3/4) số thành viên hiện diện trong đại hội.

Điều 27: 

  1. Tất cả quyết định chấp thuận tại ĐHTN phải được ghi vào biên bản của đại hội và phải được ký bởi Trưởng BGS, Chủ Tịch và Tổng Thư ký BCHCĐ.

 

Chương 9: Đại Hội Bất Thường

 

Điều 28: 

  1. Trong trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp, Trưởng BGS, Chủ Tịch BCHCĐ hoặc hai phần ba của thành viên của BCHCĐ hoặc của BGS có thể yêu cầu triệu tập một đại hội cộng đồng bất thường (ĐHCĐBT) để giải quyết các vấn đề cấp bách của cộng đồng;
  2. Các lý do để triệu tập (ĐHCĐBT) phải là các lý do có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong và uy tín của CĐNVTDUC/TU, chẳng hạn như BCHCĐ đương nhiệm không làm tròn các nhiệm vụ được giao phó trong Nội Quy, hoặc bỏ ngỏ văn phòng cộng đồng. Các lý do khác có thể kể đến như những vụ việc liên quan đến chinh trị và quan hệ giữa BCHCĐ và chính phủ Cộng Sản Việt Nam;
  3. Ngày, giờ, địa điểm, lý do tổ chức phải được BCHCĐ thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông báo chí ít nhất là hai (2) tuần trước ngày đại hội.
  4. Tất cả quyết định chấp thuận tại ĐHCĐBT phải được ghi vào biên bản của đại hội và phải được ký bởi Trưởng BGS, Chủ Tịch và Tổng Thư ký BCHCĐ.
  5. Biểu quyết đề nghị giải thể CĐNVTDUC/TU của các bộ phận quy định ở Điều 50(I) của nội quy;
  6. Đối với quyết định giải thể CĐNVTDUC/TU, đa số cần thiết sẽ là ba phần tư số thành viên hiện diện trong đại hội.

Điều 29: 

  1. Quyết định giải thể CĐNVTDUC/TU phải được Chủ Tịch BCHCĐ, Trưởng Ban Giám Sát và Tổng Thư ký BCHCĐ đồng chấp thuận.

 

 

 

Chương 10: Ứng cử và bầu cử BCHCĐ

 

Điều 30: Ứng cử  

  1. Bất cứ Thành Viên Chính Thức nào của Cộng Ðồng từ 18 tuổi trở lên, từng sinh  sống ở  tiểu bang Tây Úc hai năm trở lên đều có quyền ứng cử vào BCHCĐ, ngoại trừ trường hợp bị phạt tù hình sự, như đã bị nghiêm cấm trong điều khoản của Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987 (Associations Incorporation Act 1987).

Điều 31: Ngày bầu cử

  1. Ngày bầu cử BCHCĐ được quy định tổ chức trong kỳ Đại Hội Bầu Cử diễn ra không trễ hơn ngày Chúa Nhật của tuần thứ nhứt của Tháng 10 năm mãn nhiệm kỳ của BCHCĐ đương nhiệm.

Điều 32: Nhiệm kỳ

  1. Nhiệm kỳ của BCHCĐ là hai (2) năm tối đa kể từ ngày được tuyên bố đắc cử đến ngày bầu cử lần sau, được ấn định ở Điều 31.

Điều 33: Thủ tục bàn giao

  1. Việc bàn giao giữa cựu và tân BCHCĐ được thực hiện như sau:

a)      Thủ tục bàn giao quyền hành phải được thực hiện ngay khi Tân BCHCĐ được tuyên bố đắc cử bởi Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử.

b)      Thủ tục bàn giao về tiền bạc, tài khoản, các tài sản, các trương mục của Cộng Đồng trong ngân hàng phải được thực hiện trong vòng 2 tuần sau ngày bầu cử.

c)      Thủ tục bàn giao các trách vụ hành chánh khác phải được hoàn tất trong vòng một tuần sau ngày bầu cử.

Điều 34: Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử và thủ tục thông báo

  1. Cuộc bầu cử BCHCĐ được tổ chức bởi một Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử được thành lập trong một phiên họp mở rộng của Cộng Đồng (Phiên họp sẽ diễn ra không trễ hơn ngày Chúa Nhật của tuần thứ nhứt của Tháng 8, năm mãn nhiệm kỳ của BCHCĐ đương nhiệm). Các thành viên của Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử (UBTCBC) sẽ không được phép ứng cử vào bất cứ chức vụ nào trong các liên danh tranh cử.
  2. Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử gồm có 1 Trưởng Ban, 1 Phó Ban, 1 Thư Ký và các Ủy viên. Thể thức ứng cử và bầu cử phải được Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông báo chí ít nhất là sáu tuần trước ngày bầu cử.
  3. Danh sách các liên danh ứng cử phải được Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử thông báo trên các phương tiện truyền thông báo chí ít nhất là hai (2) tuần trước ngày bầu cử.

Điều 35: Thể thức ứng cử

  1. Quyền ứng cử BCH Cộng Ðồng được quy định như sau:

a)      Bất cứ Thành Viên Chính Thức nào của Cộng Ðồng từ 18 tuổi trở lên, từng sinh  sống ở  tiểu bang Tây Úc hai năm trở lên và thường xuyên sinh hoạt với Cộng Đồng đều có quyền ứng cử vào BCHCĐ ngoại trừ trường hợp bị phạt tù hình sự,  như đã bị nghiêm cấm trong điều khoản của Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987 (Associations Incorporation Act 1987).

b)      Nguyên tắc ứng cử phải theo thể thức liên danh.

c)      Một liên danh cần hội đủ ít nhất là 6 thành viên cho các chức vụ: Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch  Nội Vụ,  Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Phó Chủ Tịch Kế Hoạch, Tổng Thư Ký và Thủ Quỹ.

d)      Ðơn ứng cử của một liên danh phải liệt kê tên, tuổi, địa chỉ, chức vụ ứng cử đồng thời cho biết thành tích trong quá khứ của mỗi ứng viên cùng chương trình làm việc của liên danh sau khi đắc cử.

e)      Ðơn ứng cử của một liên danh phải được gửi cho Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử trễ nhất là 4 tuần trước ngày bầu cử.

f)       Nếu không có liên danh nào ứng cử hoặc nộp đơn trước thời hạn quy định ở Điều 35(I)(e), Đại Hội Bầu Cử  ﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽﷽sẽ được gia hạn thêm một thời gian tối đa là một (1) tháng, để kêu gọi các thành viên của cộng đồng ra tranh cử, và BCHCĐ đương nhiệm được lưu nhiệm trong thời gian đó.

g)      Nếu trong Đại Hội Bầu Cử dự trù tổ chức lần thứ nhì này nếu vẫn không có liên danh nào ra tranh cử, BCHCĐ sẽ triệu tập một Đại Hội Bất Thường để thành lập một BCH.

h)      Trong Đại Hội Bất Thường, các Hội Đoàn (HĐ) và Đoàn thể (ĐT), các thân hào nhân sĩ và các thành viên chính thức sinh hoạt thường xuyên với Cộng Đồng sẽ đề cử ra ít nhứt một thành viên từ mỗi HĐ & ĐT hoặc các thân hào nhân sĩ trong CĐ để thành lập một BCH.

i)        Trong Đại Hội Bất Thường, mỗi thành viên được đề cử vào BCH sẽ được bầu theo thể thức trực tiếp bằng phiếu tín nhiệm kín để bầu ra ban chấp hành mới. Sáu (6) thành viên được nhiều phiếu nhứt sẽ thành lập một ban chấp hành mới. Quyền sắp xếp nhân sự là do ban chấp hành mới quyết định.

Điều 36:  Quyền và thể thức bầu cử

  1. Tất cả các thành viên chính thức từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu trong ngày Ðại Hội Bầu Cử.
  2. BCHCĐ được bầu theo thể thức trực tiếp, liên danh, và bằng phiếu kín.

Điều 37: Trường hợp số liên danh ứng cử là 3 hay nhiều hơn

  1. Liên danh nào đạt hơn 50% tổng số phiếu hợp lệ là liên danh đắc cử.
  2. Nếu không có liên danh nào đạt hơn 50% tổng số phiếu hợp lệ thì hai (2) liên danh có số phiếu cao nhất sẽ được bầu lại ở Vòng 2 trong vòng một tháng .
  3. Ở Vòng 2, liên danh nào được đa số tương đối trong số phiếu hợp lệ là liên danh đắc cử.

Điều 38:Trường hợp có 2 liên danh ứng cử

  1. Liên danh nào đạt đa số tương đối trong số phiếu hợp lệ là liên danh đắc cử.

Điều 39: Trường hợp chỉ có một liên danh ứng cử

  1. Phiếu bầu cử sẽ đổi thành phiếu tín nhiệm.
  2. Trong trường hợp số phiếu tín nhiệm ít hơn số phiếu bất tín nhiệm, Đại Hội Bầu Cử  sẽ được gia hạn thêm một thời gian tối đa là một (1) tháng, để kêu gọi các thành viên của cộng đồng ra tranh cử, và BCHCĐ đương nhiệm được lưu nhiệm trong thời gian đó.
  3. Nếu trong Đại Hội Bầu Cử dự trù tổ chức lần thứ nhì này nếu vẫn không có liên danh nào ra tranh cử, BCHCĐ sẽ triệu tập một Đại Hội Bất Thường để thành lập một BCH.
  4. Trong Đại Hội Bất Thường, các Hội Đoàn (HĐ) và Đoàn thể (ĐT), các thân hào nhân sĩ và các thành viên chính thức sinh hoạt thường xuyên với Cộng Đồng sẽ đề cử ra ít nhứt một thành viên từ mỗi HĐ & ĐT hoặc các thân hào nhân sĩ trong CĐ để thành lập một BCH. Số thành viên được đề cử vào BCH sẽ không có giới hạn.
  5. Trong Đại Hội Bất Thường, mỗi thành viên được đề cử vào BCH sẽ được bầu theo thể thức trực tiếp bằng phiếu tín nhiệm kín để bầu ra ban chấp hành mới. Sáu (6) thành viên được nhiều phiếu nhứt sẽ thành lập một ban chấp hành mới. Quyền sắp xếp nhân sự là do ban chấp hành mới quyết định.

 

Chương 11: Gia nhập và niên liễm

 

Điều 40: Gia nhập

  1. Mọi người Úc gốc Việt và thường trú nhân người Việt trên 18 tuổi đang sinh sống tại Tiểu Bang Tây Úc, không vi phạm các tội hình sự đang chờ xét xử vào thời gian xin gia nhập, và bằng lòng đóng niên liễm đều có thể làm đơn xin gia nhập để trở thành thành viên chính thức của CĐNVTDUC/TU;
  2. Thành viên chính thức có quyền xin thôi gia nhập thành viên, sau khi thông báo với CĐNVTDUC/TU bằng một văn bản gọi là ‘Đơn Xin Thôi Gia Nhập Thành Viên’, có chữ ký của đương sự và một nhân chứng. Ngày thôi xin gia nhập thành viên sẽ được Ban Chấp Hành thông báo, sau khi xét đơn xin thôi gia nhập thành viên.

Điều 41: Niên liễm 

  1. Niên liễm của thành viên là 5 đô la Úc ($A 5). Tiền niên liễm phải được đóng trực tiếp cho Thủ Quỹ BCHCĐ. Vị Thủ Quỹ sẽ cấp biên nhận cho người đóng tiền niên liễm để tiến hành thủ tục gia nhập CĐNVTDUC/TU.

Điều 42: 

  1. Tổng Thư Ký BCHCĐ chịu trách nhiệm quản lý mọi thủ tục xin gia nhập CĐNVTDUC/TU và cấp thẻ thành viên cho những ai đã được BCH CD chấp thuận.

 

Điều 43: 

  1. Thời hạn cứu xét và chấp thuận đơn từ ngày nộp đơn là 2 tuần.

 

Chương 12: Tài chính và tài sản Cộng Đồng

 

Điều 44: isnCng Đồng

  1. Tài sản của CĐNVTDUC/TU gồm có:

a)      Các trương mục tiền mặt hoặc chi phiếu tại các ngân hàng;

b)      Các bất động sản thủ đắc bằng ngân quỹ của cộng đồng, hoặc dưới hình thức các trợ cấp của chính phủ và các cơ quan Úc;

c)      Quà tặng dưới hình thức tiền mặt hoặc hiện vật từ các nhà hảo tâm, hoặc thành viên của cộng đồng;

d)      Các động sản như xe cộ, vật dụng, và máy móc.

Điều 45 : Quyền sử dụng tài sản Cộng Đồng

  1. Sử dụng tài sản Cộng Đồng cho các sinh hoạt nhằm đạt được mục đích đã đề ra trong Bản Nội Quy.
  2. Tất cả các tài sản của Cộng Đồng đều được dùng để đáp ứng các Mục Đích của Cộng Đồng nêu ra trong Chương 2 và tuyệt đối không phân phối đến các thành viên của CĐNVTDUC/TU , ngoại trừ trang trải các chi phí của Cộng Đồng khi sinh hoạt.
  3. Ký chi phiếu thanh toán các chi phí điều hành liên hệ. Tuy nhiên, chỉ có Chủ Tịch và Tổng Thủ Quỹ mới được quyền thay mặt BCHCĐ để cùng ký các chi phiếu đó. Trong trường hợp Chủ Tịch hoặc Tổng Thủ Quỹ vắng mặt hoặc vì lý do sức khỏe hoặc vì bất cứ lý do chính đáng nào mà không thể ký các chi phiếu nói trên, Phó Chủ Tịch Nội Vụ hoặc Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ được quyền ký thay một trong hai vị này. Trong trường hợp Chủ tịch và Tổng Thủ Quỹ đều vắng mặt, hai vị Phó Chủ Tịch Nội Vụ và Ngoại vụ được quyền ký thay để giải quyết công việc chính đáng và cấp bách.
  4. Tổ chức lạc quyên gây quỹ để làm việc công ích nhằm đạt được những mục đích của Cộng Đồng.

Điều 46: Bảo vệ tài sản của Cộng Đồng

  1. Để bảo vệ tài sản của Cộng Đồng

a)      Ngân quỹ của Cộng Đồng phải được gởi vào một trương mục ngân hàng do Cộng Đồng đứng tên.

b)      BCHCĐ không được quyền bán, cầm cố hay thế chấp bất cứ bất động sản hiện có nào của Cộng Đồng. Trong trường hợp hi hữu và cấp bách mà BCHCĐ cần phải bán bất cứ bất động sản nào của Cộng Đồng để mua một bất động sản lớn hơn vì sự phát triển của Cộng Đồng thì quyết định trên phải được thông qua tại một Đại Hội Bất Thường để trưng cầu dân ý (Đại Hội Trưng Cầu Dân ý).

c)      Để có giá trị, các quyết định của BCHCĐ liên quan đến việc bán, cầm cố hay thế chấp bất động sản của Cộng Đồng phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên BCHCĐ đồng ý trước khi trưng cầu dân ý.

Điều 47: Phương thức báo cáo tài chánh

  1.  BCHCĐ phải tuân theo các sinh hoạt tài chính theo sự quy định của Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987 (Associations Incorporation Act 1987).
  2. Việc báo cáo tài chánh phải được BCHCĐ thực hiện trong Đại Hội Thường Niên mỗi năm theo như Điều V(26) của Luật Hội Đoàn.
  3. Năm tài chánh của Cộng Đồng bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 của năm kế tiếp
  4. Mọi sổ sách kế toán phải được lưu giữ theo như Điều V(25) của Luật Hội Đoàn trong hồ sơ tài chánh của Cộng Đồng để ghi nhận và giải thích mọi việc chi thu.

Chương 13: Tu chính Nội Quy

 

Điều 48: Thể lệ đề nghị tu chính nội quy

  1. Bất cứ điều khoản nào trong Bản Nội Quy này đều có thể được BCHCĐ (với túc số 2/3 đồng ý) đề nghị tu chính, nếu xét thấy có nhu cầu.
  2. Bất cứ điều khoản nào trong Bản Nội Quy này đều có thể được các thành viên chính thức đề nghị tu chính bằng cách thông qua BGS. Trong trường hợp này, BGS (với túc số 2/3 đồng ý), nếu xét thấy có nhu cầu tu chính, cần phải gửi tới BCHCĐ một văn thư chính thức nêu rõ những điều khoản với đầy đủ lý do và nội dung đề nghị sửa đổi.

a)      Đề nghị tu chính phải được BCHCĐ cứu xét và thông qua với túc số quá bán (1/2);

b)      Khi chấp nhận các đề nghị tu chính, BCHCĐ phải đăng tải các điều khoản, lý do và nội dung đề nghị sửa đổi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong vòng ba (3) tháng về các đề nghị này.

Điều 49: Thủ tục tu chính

  1. Sau khi BCHCĐ thông qua, đề nghị tu chính phải được trình bày tại phiên họp Đại Hội Thường Niên của Cộng Đồng và sẽ được chấp thuận tu chính với túc số ba phần tư (3/4) số thành viên hiện diện trong đại hội;

a)      Dự thảo tu chính sẽ được BCHCĐ trình bày với ĐHTN của CĐ và sẽ được biểu quyết chấp thuận với túc số ba phần tư (3/4) số thành viên hiện diện trong đại hội;

b)      Những điều khoản tu chính không được chấp thuận sẽ phải được làm lại hay hủy bỏ, tùy theo quyết định với ba phần tư (3/4) số thành viên hiện diện trong đại hội ;

c)      Dự thảo với các điều khoản tu chính được chấp thuận sẽ thay thế hay bổ túc các điều khoản trong Nội Quy hiện hành;

d)      BCHCĐ có nhiệm vụ thông báo quyết định chấp thuận bản Nội Quy tu chính của ĐHTN và cập nhật bản Nội Quy tu chính.

 

 

Chương 14: Giải tán và thanh lý

Điều 50: Giải tán

  1. Ban Chấp Hành CĐNVTD/TU sẽ phải giải tán khi có túc số bốn phần năm (4/5) tổng số thành viên biểu quyết bất tín nhiệm trong kỳ ĐHBT.

Điều 51: Thanh lý

  1. BCHCĐ phải minh bạch tài sản của CĐNVTDUC/TU trước ĐHBT;
  2. BCHCĐ thành lập Ủy Ban Thanh Lý. Trong trường hợp không thành lập được Ủy Ban Thanh Lý, BCHCĐ và BGS sẽ đảm nhận vai trò của Ủy Ban Thanh Lý;
  3. Nhiệm vụ của Ủy Ban Thanh Lý là giải quyết tài sản CĐNVTDUC/TU và công bố giải tán CĐNVTDUC/TU theo luật định.
  4. Tài sản còn lại sau khi thanh lý sẽ không phân phối đến các thành viên hoặc những cựu thành viên của CĐ (theo quy định của Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987 ) nhưng sẽ được chuyển nhượng cho một hội đoàn hoặc tổ chức khác thành lập theo Luật Hội Đoàn tại Tây Úc 1987. Tổ chức này có mục tiêu tương tự như CĐ và đã được sự chấp thuận của Ủy Viên Thuế là một tổ chức từ thiện mà quà tặng và thuế thu nhập được thực hiện. Các thành viên CĐ sẽ quyết định tổ chức nào nhận được tài sản này bằng cách biểu quyết.

Chương 15: Ấn tín của CĐNVTDUC/TU

 

Điều 52: 

  1. Ấn tín của CĐNVTDUC/TU sẽ do vị Chủ Tịch hoặc vị Tổng Thư Ký giữ, do quyết định của Ban Chấp Hành CĐNVTDUC/TU trong mỗi thời điểm và được in lên các văn kiện pháp lý;
  2. Trong trường hợp Chủ Tịch CĐ vắng mặt, một thành viên khác của BCHCĐ được sự ủy nhiệm sẽ ký thay.

 

Chương 16: Chế tài thành viên

 

Điều 53: 

  1. Thành viên CĐ có hành vi gây phương hại đến danh dự chung của CĐNVTDUC/TU. Tùy mức độ, sẽ bị một trong các biện pháp chế tài sau đây:

a)      Cảnh cáo

b)      Khai trừ tạm thời

c)      Khai trừ vĩnh viễn

  1. Biện pháp khai trừ tạm thời và khai trừ vĩnh viễn phải do quyết định của 2/3 thành viên hiện diện trong ĐHTN với túc số hợp lệ theo điều 15 về thủ tục ĐHTN.
  2. Thành viên vi phạm kỷ luật phải được mời đến trong phiên họp khoáng đại này và có quyền tự biện hộ;
  3. Trong trường hợp thành viên vi phạm kỷ luật không đến, Ban Chấp Hành chứng minh trước ĐHTN thư mời đã được chuyển đến thành viên bị kỷ luật và tiến hành thủ tục khai trừ.

Chương 17: Các lãnh vực chuyên biệt

 

Điều 54: Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng (bao gồm thư viện)

  1. Chức vụ Giám Đốc Trung Tâm do vị Phó Chủ Tịch Nội Vụ đảm nhận;
  2. Vị Giám Đốc Trung Tâm có nhiệm vụ điều hành Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng (TTSHCĐ) căn cứ theo Bản Điều Lệ Sử Dụng Trung Tâm;
  3. Chìa khóa của TTSHCĐ phải do vị Giám Đốc Trung Tâm cất giữ. Ngoài giờ mở cửa, bất kỳ ai muốn sử dụng Trung Tâm cho công việc Cộng Đồng, hoặc việc riêng như tham khảo tài liệu trong thư viện, phải liên lạc với vị Giám Đốc Trung Tâm trước để sắp đặt ngày và giờ sử dụng;

Điều 55: Trường Việt Ngữ Cộng Đồng (TVNCĐ) 

  1. Trường Việt Ngữ Cộng Đồng hiện có tên gọi là Trường Việt Ngữ Hùng Vương (known as Vietnamese Ethnic School in Western Australia), là một cơ quan giáo dục của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu / Tây Úc, được điều hành bởi một Ban Giám Hiệu do Ban Chấp Hành Cộng Đồng đề cử hoặc chấp thuận.

a)      Hiệu trưởng Trường Việt Ngữ Hùng Vương phải là một thành viên của BCHCĐ, đặc trách văn hoá giáo dục.

b)      Ban Giám Hiệu phải bao gồm đầy đủ Hiệu trưởng, Hiệu Phó và Thủ quỹ.  BCHCĐ không chấp nhận vì bất cứ lý do gì mà khiếm khuyết 1 trong 3 chức vụ trên.

  1. Ban Giám Hiệu có ba trách nhiệm chính:

a)      Thi hành các Điều Lệ của Trường Việt Ngữ Cộng Đồng do BCHCĐ đề ra (Bản Điều Lệ này được đính kèm như Phụ Bản số 1 của Bản Nội Quy);

b)       Điều hành thuê mướn cơ sở và cung ứng phương tiện giảng dạy cho trường;

c)      Ban Giám Hiệu có quyền sử dụng tài chánh và có nhiệm vụ tường trình chi tiêu hàng năm đến BCHCĐ, bằng văn bản, với đầy đủ chữ ký của 3 chức vụ của BGH. Báo cáo nầy phải được thực hiện trước khi chấm dứt năm tài chánh (end of Finacial Year).

  1. Hiệu Trưởng và Hiệu Phó có hai trách nhiệm chính:

a)      Đại diện BCHCĐ và BGH trực tiếp điều hành công việc giảng dạy, bao gồm thầy cô và phương tiện giảng dạy;

b)      Chịu trách nhiệm về tổ chức các mặt sinh hoạt văn hóa của trường Việt ngữ.

  1. BCH CD có hai trách nhiệm chính:

a)      BCH chịu trách nhiệm đề cử hoặc chấp thuận Ban Giám Hiệu;

b)      BCH  cùng với BGH trực tiếp chịu trách nhiệm xin thêm ngân khoản trợ cấp từ Chính Phủ Tiểu Bang và Liên Bang, dựa trên báo cáo hàng năm của Trường Việt Ngữ Hùng Vương. Tất cả ngân khoản trợ cấp này sẽ được dùng trong việc chi tiêu hàng năm cho Trường Việt Ngữ Hùng Vương. Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ Hùng Vương, Chủ tịch CĐ và Thủ Quỷ CĐ sẽ trực tiếp ký vào đơn xin ngân khoản trợ cấp từ Chính Phủ Tiểu Bang và Liên Bang.  

 

Điều 56: Đài Phát Thanh (ĐPTCĐ)  

  1. Đài Phát Thanh Cộng Đồng (ĐPTCĐ) là một cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt yêu chuộng tự do và dân chủ, do cộng đồng mà có, và vì cộng đồng mà hoạt động. Do vậy, ĐPTCĐ phải chịu trách nhiệm trước cả cộng đồng, và không bị thao túng bởi một cá nhân hoặc đoàn thể nào.
  2. Giám Đốc ĐPT:

a)      Do vị Phó Chủ Tịch Nội Vụ kiêm nhiệm;

b)      Chịu trách nhiệm về đường lối hoạt động và thi hành các nội quy Điều Hành ĐPT do BCHCĐ đề ra (Bản Điều Lệ này được đính kèm như Phụ Bản số 2 của Bản Nội Quy)

c)      Có thẩm quyền trong việc gây quỹ và lạc quyên cho ĐPT. Số tiền lạc quyên phải được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông.

  1. Vị Trưởng Ban ĐPT:

a)      Do vị Giám Đốc ĐPT thỉnh mời;

b)      Chịu trách nhiệm trực tiếp trước vị Giám Đốc ĐPT, và thực thi các điều lệ đề ra bởi BCHCĐ (xin xem Phụ Bản số 2 của Bản Nội Quy);

c)      Không có quyền và không chịu trách nhiệm trong việc gây quỹ và lạc quyên cho ĐPT;

d)      Có thẩm quyền mời người cộng tác và điều hành nhân viên ĐPT;

e)      Có thẩm quyền soạn thảo các chương trình phát thanh hằng ngày;

f)       Trong các cuộc phỏng vấn về đường lối chính trị (trong và ngoài nước), và ngoại giao với Chính Quyền Úc Đại Lợi (cấp Tiểu Bang và Liên Bang), vị Trưởng Ban ĐPT cần thảo luận trước với, và có sự chấp thuận từ vị Giám Đốc ĐPT;

g)      Trong trường hợp muốn từ nhiệm, vị Trưởng Ban ĐPT cần thông báo với vị Giám Đốc ĐPT trước bốn tuần lễ để tìm người thay thế. Trong trường hợp khẩn cấp và ngoài ý muốn, thời gian thông báo có thể giảm xuống còn một tuần lễ;

 

NOI_QUY_CDNVTDTU [English APPROVED 2010]

NOI QUY CDNVTDTU [DHTN APPROVED 2010]