“Chỉ sợ con mình quên tiếng Việt, đừng lo lũ cháu dốt Anh văn”

Tiếng Anh, Tiếng Việt

10/03/10

Tạp Ghi Huy Phương

Tuần qua, trên một chương trình truyền hình, tôi có dịp được phỏng vấn một thanh niên người Việt đã thành công trên đất Mỹ, tên em là Nguyễn Hữu Nhân hay Nathan Nguyễn, là con của cựu Thiếu Tá Nguyễn Hữu Phước, cựu SVSQ Khóa 20 Ðà Lạt. Em chào đời năm 1996, vài năm sau khi ba đi tù 9 năm trở về, lớn lên trong một ngôi nhà lá vách đất ở thị xã Tây Ninh và năm 1991 theo cha sang định cư tại Mỹ trong danh sách H.05 khi em chỉ mới 5 tuổi. Nathan thành công không phải vì em tốt nghiệp bằng cử nhân về thương mãi, nhưng vì em đã biết lập công ty địa ốc từ năm tốt nghiệp trung học để mua bán nhà với mục đích lấy tiền lời cho mẹ đi hành hương ở Roma, năm 20 tuổi trong khi đang đi học tại USC em đã lập công ty “Instrumentalsavings.com” bán nhạc cụ trên Internet mà tiền lời năm 2008 của cái công ty vỏn vẹn có 6 nhân viên này lên đến 3 triệu đô la. Nathan Nguyễn đã được đài NSBC phỏng vấn trong chương trình “Young & Sussesssful.” được nêu tên trong cuốn “The Richest Kids in Ameria” và được coi như một tấm gương xuất chúng “Extraordinary Teens” trong loạt sách “Chicken Soup for The Soul.” Em luôn luôn hãnh diện về quá khứ và việc nói tiếng Việt lưu loát của mình.

Chuyện Nathan Nguyễn giỏi tiếng Anh không có gì lạ, vì em vào trường Mẫu Giáo từ những năm đầu tại Mỹ, nhưng điều lạ là Nathan rất giỏi tiếng Việt, mặc dầu lúc rời Việt Nam em chỉ mới 5 tuổi. Hỏi lý do về chuyện này, Nathan trả lời rằng “nhờ cha mẹ em không biết tiếng Anh nên em mới giỏi tiếng Việt,” hàm ý ở nhà cha mẹ và con cái đều luôn luôn dùng tiếng Việt. Trong môi trường đó cũng như trong các gia đình có bà nội bà ngoại, trẻ em nói tiếng Việt rất giỏi, còn thuộc thêm nhiều câu ca dao, tục ngữ. Trẻ em lớn lên ở đây, còn nói được tiếng nước mẹ rành rõi mới đáng quý, còn tiếng Anh giỏi thì là chuyện thường tình, đâu có vinh dự gì.

Có lần, tôi gọi thăm một người bạn ở xa, ở đầu dây tôi gặp một cô bé nói tiếng Anh, chừng là con gái bạn tôi, tôi hỏi tiếng Việt nhưng cô chỉ trả lời lại bằng tiếng Anh. Lần sau khi gặp bạn qua điện thoại, tôi hỏi đùa, “Nhà anh có con Mỹ nào vậy?” Bạn tôi trả lời, có vẻ hãnh diện: “Ðó là con gái út nhà tôi. Nó mà nói tiếng Anh, không ai biết nó là người Việt đâu!” Chuyện này cũng không khác mấy chuyện thằng cháu ngoại sinh ở Mỹ, năm học lớp 2, khi bắt đầu nói được tiếng Anh đủ cho bạn bè và cô giáo hiểu, sung sướng và hãnh diện, về nhà nó ngây thơ khoe với ông bà ngoại, “Con nói tiếng Mỹ hay lắm, tụi nó cứ tưởng con là người Mỹ!”

Câu nói, “Chỉ sợ con mình quên tiếng Việt, đừng lo lũ cháu dốt Anh văn” của một nhà giáo luôn luôn vẫn là một lời khuyên đúng. Có ý kiến độc giả lại lên án câu nói này và cho rằng “việc chuẩn bị một số vốn liếng tiếng Anh là điều rất cần thiết cho các trẻ nhỏ trong những ngày đầu đến trường” hay “người nào đó đem áp dụng những câu nói này mà lơ là trong việc dạy dỗ cho các em một số vốn liếng tiếng Anh cần thiết, là một điều vô cùng thiếu sót, thiếu trách nhiệm làm cha mẹ hay phụ huynh…” Ngay cả đối với người Mỹ, với con cái chỉ mới vào lớp mẫu giáo, họ đã trang bị được “vốn liếng” gì cho ngoài chuyện đàm thoại rất hạn chế trong gia đình, vì ngay chuyện viết, đọc, trẻ em cũng phải học hỏi ở nhà trường. Tôi đã gặp nhiều bậc cha mẹ ngay cả khi vào chợ thường nói chuyện với con bằng tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ chưa thông thạo và phát âm còn sai. Nhiều nhà giáo đã khuyên chúng ta không nên dùng thứ tiếng Anh đó để “dạy dỗ” hay gây “vốn liếng” cho con, cứ để trẻ em tự phát triển Anh ngữ ở trường.

Chúng ta thử hỏi có bao nhiêu phần trăm người Việt di dân sang đây, vào những ngày đầu con đến trường có thể trang bị cho con một số vốn Anh Ngữ như một người Mỹ đã sống ở đây nhiều đời? Phần lớn cha mẹ cũng đang gặp khó khăn, chật vật với ngôn ngữ tại đây để sinh tồn, không có kiến thức cũng như thời giờ để giúp con “số vốn liếng tiếng Anh”như đề nghị trên, nhưng cuối cùng chúng ta thấy dù cha mẹ không biết mảy may tiếng Anh, con cái họ cũng đã thành công vượt bực. Vậy vấn đề còn lại của người Việt, người Tàu hay người Ðại Hàn nơi đây là ít ra phải nói được tiếng mẹ đẻ của họ, chưa nói đến chuyện đòi hỏi một trình độ cao hơn là đọc hay viết được ngôn ngữ của dân tộc mình. Con cháu của những đợt di dân đầu tiên đến Mỹ, Úc, Pháp hay các nước khác không mấy khó khăn khi nói tiếng Việt, nhưng phần đông không thể viết hay đọc được Việt ngữ, do đó chúng ta phải ghi nhận công lao của các thầy cô của các trung tâm Việt ngữ hiện điện trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới.

Còn vấn đề hướng dẫn hay dạy dỗ con cái như thế nào còn tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi gia đình, cho nó là quan trọng hay không? Ngày nay người Việt chúng ta, vì hoàn cảnh hồi vượt biên bỏ nước ra đi, nay thì có gia đình người ở Pháp, người định cư ở Ðức, mỗi khi có cơ hội sum họp với nhau ở nhà ông bà nội ở Mỹ, cháu ngoại thì nói với nhau tiếng Ðức rổn rảng, cháu nội thì dùng tiếng Pháp líu lo, nhưng anh em cô cậu nói chuyện với nhau thì… ngọng miệng!

Cha mẹ thường chiều con, nói rằng chúng nó nói tiếng Việt khó khăn, nên để chúng dùng tiếng Anh cho thoải mái. Dần dà, các em quên mất tiếng Việt và nếu có nói thì cũng nói sai giọng. Không phải ai cũng có ý thức dạy con cái nói tiếng Việt. Phải kiên trì và chịu khó lắm mới thành công. Một cháu nói với tôi rằng hồi mới qua Mỹ, bố cháu kẻ bảng chữ treo trong phòng ăn: “Không Nói Tiếng Việt- Không Ăn Cơm.” Có gia đình, đối với các cháu nhỏ ngày Tết: “Không Chúc Ông Bà bằng Tiếng Việt – Không Có Tiền Lì Xì.”

Hiện nay ở Việt Nam người ta vọng ngoại, thích học và nói tiếng Anh, trong khi chúng ta ở đây tìm cách khuyến khích con học tiếng Việt là điều dễ hiểu. Có điều tôi hy vọng rằng tiếng Việt tương đối đủ dùng trong việc giao tiếp với nhau hằng ngày không cần phải vừa nói vừa chêm tiếng Anh ngay cả trên đài phát thanh, như “uống thuốc của bác sĩ tôi thấy rất work,” rất là wonderful!” hay kiểu “sính Tây” “toi, moi, lũy, ẻn” như thời Pháp thuộc.

Người Mễ Tây Cơ chịu ba thế kỷ nô lệ, dân số hơn 100 triệu, bây giờ 89% theo Thiên Chúa Gáo và nói rặt tiếng Tây Ban Nha, chỉ có 6% còn dùng tiếng bản địa. Trong khi tổ tiên chúng ta chịu cảnh nô lệ Tàu mười thế kỷ, Tây một trăm năm mà tiếng Việt chúng ta cũng không bị mất, chưa ai hóa thành Tàu, thành Tây cả. Chỉ tiếc người miền Bắc XHCN Việt Nam, chỉ mới chịu ơn Tàu, ăn lương khô, mặc vải Trung Cộng trong vòng 20 năm thôi, đã đổi cách nói và cách dùng chữ y hệt như Tàu. Sự cố! Sự cố!

http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110132

Submit a Comment